Người theo dõi

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Thừa nhận cái tôi đồng tính

http://dienngon.vn/Blog/Article/thua-nhan-cai-toi-dong-tinh
Mỗi con người đều có bản dạng của mình, hiểu đơn giản đó là một cái nhãn mà người ta nhận vào mình và là đại diện cho cái tôi trong một môi trường xã hội cụ thể. Thông thường, bản dạng quy về một vị trí trong phân loại xã hội, ví dụ như người đồng tính, phụ nữ, nam giới, con, cha, mẹ, nông dân hoặc trí thức. Một người có nhiều cái nhãn (bản dạng) khác nhau, ví dụ như vừa là mẹ, vừa là trí thức và vừa là nhân viên văn phòng. Tùy vào bối cảnh cụ thể mà một bản dạng trội hơn, khi đó các bản dạng khác có thể bị rơi vào trạng thái “ngủ”. Khi ở nhà, vai trò làm mẹ hoặc vợ là quan trọng nhất nhưng khi ở văn phòng, bản dạng “nhân viên văn phòng” lại nổi trội. Cái tôi được coi như là tổng hoà của tất cả các bản dạng dù ở trạng thái ngủ hay thức.




Lý thuyết phân đoạn cho rằng quá trình phát triển bản dạng đồng tính bắt đầu khi cá nhân cảm nhận được các cảm giác tình ái hoặc hành vi tình ái đồng tính. Tùy vào môi trường gia đình, xã hội mà cái tôi hiện tại phản ứng khác nhau với bản dạng mới phát sinh này. Với một số người, cảm giác tình dục đồng giới bị chối bỏ do những lo sợ bị định kiến kỳ thị trong xã hội, hoặc trái với niềm tin tôn giáo và giá trị đạo đức hiện có. Điều này dẫn đến những tổn hại về lòng tự trọng của họ. Những người này có thể phủ nhận hoặc che dấu bản dạng đồng tính của mình và sống một cuộc sống của người dị tính. Có  nhiều người không chịu được, hoặc tự kỳ thị mà dẫn đến những hậu quả tâm lý như tự kỷ, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, thậm chí tự tử.

Phần lớn những người còn lại sẽ chuyển qua giai đoạn kế tiếp: thử nghiệm bản dạng đồng tính bằng cách trải nghiệm qua các hành vi tình dục và tình cảm với người cùng giới. Các thử nghiệm này được thực hiện nhờ kết nối với cộng đồng người đồng tính. Trong giai đoạn này, các cá nhân có thể cam kết tạm thời với bản dạng đồng tính của mình. Cam kết này ngày càng chắc chắn qua thời gian. Cho dù đồng tính có thể không được cho là bản dạng lý tưởng (so với dị tính) nhưng bản dạng đồng tính vẫn được cá nhân thừa nhận. Có một điều thú vị là dù thừa nhận bản dạng đồng tính của mình, nhiều cá nhân vẫn đánh giá tiêu cực về đồng tính luyến ái, đồng điệu với thái độ xã hội nơi họ sống.

Sau thời gian thử nghiệm, cá nhân thấy thích tiếp xúc và giao lưu với người đồng tính khác, và việc đánh giá về đồng tính luyến ái trở nên tích cực hơn. Giai đoạn này đã dẫn đến việc chuyển từ “tôi có thể là một người đồng tính” qua việc “tôi là một người đồng tính.” Trong giai đoạn mới này, lòng tự hào về bản dạng đồng tính được phát triển. Người đồng tính tôn vinh sự khác biệt của mình, đồng thời thể hiện sự bực tức với những bất công trong xã hội. Quá trình “come out” được đẩy mạnh với nhiều người xung quanh hơn và và bản dạng này trở nên bền vững.

Trong một thời gian sau khi thừa nhận “tôi là người đồng tính”, bản dạng đồng tính là quan trọng nhất đối với bản thân. Nhưng theo thời gian, sự phân chia thế giới nội tại cũng như niềm tự hào đồng tính và sự bực tức với kỳ thị giảm dần – các khía cạnh đồng tính đã được hoà nhập với cái tôi. Cuối cùng, bản dạng đồng tính không còn là bản dạng quan trọng nhất nữa. Thay vào đó, nó chỉ là một trong rất nhiều bản dạng mà một con người có.

Đây không phải là con đường duy nhất mà tất cả những người đồng tính đi qua trong quá trình phát hiện, tìm hiểu và thừa nhận bản dạng đồng tính của mình. Một số nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng, các giai đoạn có thể được ghép, bỏ qua, hoặc xảy ra đồng thời. Ví dụ, một người chỉ phát hiện ra mình là đồng tính khi có quan hệ cùng giới (tình cờ) với một người khác, hoặc có người thừa nhận mình là đồng tính ngay khi mới phát hiện bản dạng mới mà không cần qua giai đoạn thử nghiệm. 

Dù sao con đường thừa nhận cái tôi đồng tính xảy ra như thế nào nó đều được hình thành và phát triển khi giao tiếp với người xung quanh trong môi trường mình sinh sống. Chính vì vậy, quá trình hình thành bản dạng đồng tính bị ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường xã hội và gia đình. Nếu xã hội kỳ thị và hiểu sai về đồng tính sẽ làm cho người đồng tính khó khăn thừa nhận bản dạng của mình hơn. Nếu xã hội bao dung, có kiến thức đúng thì sẽ giúp người đồng tính không tự kỳ thị, dễ dàng hội nhập bản dạng đồng tính vào cái tôi chung, một cái tôi tự trọng, tự do để cùng phát triển. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét