Người theo dõi

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Phẫu thuật chuyển giới: Luật pháp VN quy định thế nào?


(VTC News) – Trong khi nhiều người phải sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới thì tại Việt Nam, các bác sĩ có đủ trình độ và được phép chuyển giới hay không? Luật pháp Việt Nam cho phép những ai được chuyển giới?
PGS.TS Trần Ngọc Bích, Trưởng khoa phẫu thuật Nhi, bệnh viện Việt Đức là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật cơ quan sinh dục cho những trường hợp nam lưỡng giới giả nữ, nữ lưỡng giới giả nam hay lưỡng giới thật.
Phẫu thuật chuyển giới: Luật pháp VN quy định thế nào?
PGS  Trần Ngọc Bích, Trưởng khoa phẫu thuật Nhi, bệnh viện hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Ông cũng là người tham gia trong ban soạn thảo Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính.
Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn PGS Bích về việc một người nam hoặc nữ muốn chuyển giới liệu có được pháp luật cho phép cũng như bác sĩ Việt Nam có thực hiện được phẫu thuật chuyển giới hay không.
- Thực tế, đang có khá đông người muốn chuyển giới. Xét về hình thức bên ngoài, những người này hoàn toàn bình thường nhưng họ muốn thay đổi giới tính bằng việc phẫu thuật bộ phận sinh dục. Liệu mong ước này của họ có thực hiện được ở Việt Nam hay không?
Với trường hợp cơ thể đó hoàn toàn là nam, có bộ phận sinh dục nam bình thường, nhiễm sắc thể giới tính là 46 XY nhưng lại không muốn yêu người khác giới và muốn chuyển sang giới nữ không theo lẽ tự nhiên thì ở Việt Nam, luật chưa cho phép làm. Do đó, bác sĩ không được làm. Mặc dù nước ngoài cho làm như Thái Lan.
- Luật không cho phép thì họ sẽ tự giải quyết. Có người đã tự bơm silicone vào ngực để tạo ngực của người phụ nữ, tự uống hormone hoặc sang Thái Lan chuyển giới. Khi đó, họ  sẽ phải đương đầu với rủi ro gì ở khía cạnh y học, thưa ông?
Nếu không có luật cho phép thì không bác sĩ Việt Nam nào làm. Khi bệnh nhân tự làm lấy thì họ tự chịu trách nhiệm.
Nguy cơ gặp rủi ro ở những người này rất cao. Đến thầy thuốc làm còn không đơn giản dù họ có kiến thức, kỹ thuật, phương tiện và điều kiện. 
Còn bệnh nhân tự làm sẽ gặp tỷ lệ biến chứng rất cao, thậm chí chết người. 
Tự uống hormone, tự tiêm silicone rất nguy hiểm vì phải có chỉ định của bác sĩ. Còn tạo hình vú, bộ phận sinh dục thì phải là thầy thuốc chuyên khoa sâu. Bác sĩ làm thì mới đảm bảo được tính mạng cho bệnh nhân, tái tạo được bộ phận sinh dục như ý muốn và chức năng của nó.
Khi anh chuyển đổi giới tính cần phải rất cân nhắc. Thứ nhất anh không có khả năng sinh sản, thứ 2 là anh có thể phải sử dụng thuốc nội tiết nhiều. Nó trái với giới tính thật nên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, kể cả tuổi thọ. Tiền bạc chi phí phẫu thuật cũng rất tốn kém.
- Vậy, theo ông, với tư cách là một trong những bác sĩ phẫu thuật hàng đầu Việt Nam về vấn đề này, có nên cho phép họ phẫu thuật chuyển giới?
Trước đây, khi tham gia soạn thảo nghị định xác định lại giới tính, tôi cũng đặt vấn đề với những người hoàn toàn là nam hay nữ muốn chuyển giới. Những người này có cơ thể bình thường, bộ gene bình thường, bộ phận sinh dục bình thường. 
Nhưng lại có cái bất thường là ở ý thích, ở xúc cảm. Lẽ thường người con trai yêu người con gái nhưng ở những người này lại là yêu một người cùng giới.
Theo tôi, họ có điều không bình thường trong cơ thể, có thể trong họ có một gene nào đó mà mình chưa biết nó chi phối tự nhiên khiến người đàn ông đó muốn chuyển thành nữ, và một người nữ muốn thành đàn ông.
Rõ ràng có yếu tố bất thường trong đầu người đó, nhưng cái gì gây ra sự bất thường đó? Chúng tôi có đặt vấn đề nhưng chưa được thông qua.
 

Phẫu thuật chuyển giới: Luật pháp VN quy định thế nào?Tôi nghĩ mọi nguyện vọng chính đáng của con người cần được tôn trọng, và dần dần tìm cách giải quyết trong thời điểm thích hợp.Phẫu thuật chuyển giới: Luật pháp VN quy định thế nào?
PGS Trần Ngọc Bích
Như vậy, có được phép phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam trong thời gian tới hay không, cái này vẫn phải chờ luật của nhà nước. Phải đợi các nhà khoa học, các nhà làm luật cùng họp bàn và điều chỉnh luật cho phù hợp với hướng đi chung của thế giới.
Khi có quyết định đó rồi, thì bác sĩ sẽ làm.
- Việc xác định lại giới tính ở Việt Nam được quy định và thực hiện đối với người "không bình thường" thế nào?
Tại Việt Nam, việc xác định lại giới tính được áp dụng cho người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.
Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định rõ thuật ngữ lưỡng giới gồm có lưỡng giới thật và lưỡng giới giả.
Người lưỡng giới thật khi có bộ phận sinh dục không xác định được là nam hay nữ. Tuyến sinh dục có cả tổ chức tinh hoàn, buồng trứng. Nhiễm sắc thể giới tính có thể là một trong các dạng XX/XY; XXX/XY; XX/XXXY hoặc các dạng nhiễm sắc thể khác được xác định là lưỡng giới thật.
Còn người lưỡng giới giả lại chia làm 2 loại.
Nam lưỡng giới giả nữ là người đó có bộ phận sinh dục với dương vật nhỏ, có thể sờ thấy tinh hoàn hoặc không, siêu âm hoặc nội soi thấy tinh hoàn, không có tử cung và buồng trứng.
Nhiễm sắc thể giới tính là XY hoặc gen biệt hóa tinh hoàn dương tính hoặc kết hợp cả hai trường hợp trên.
Còn nữ lưỡng giới giả nam là người có bộ phận sinh dục với âm vật phát triển như dương vật nhưng không sờ thấy tinh hoàn, siêu âm hoặc nội soi thấy có tử cung, buồng trứng, không thấy tinh hoàn. Nhiễm sắc thể giới tính là XX.
Trong y văn, người ta có nêu lên vài thuật ngữ khác về lưỡng giới như khái niệm “mơ hồ giới tính” vì trẻ đẻ ra không biết đó là con trai hay con gái.
Thuật ngữ khác là “tình trạng giới tính không phân định”. Tức là bệnh nhân đó khi đến khám không biết là nam hay là nữ.
Nhưng khi đã nói lưỡng giới thật và lưỡng giới giả thì giới tính đã được xác định rõ.  Và khi đó, cần tiến hành phẫu thuật, điều trị để trả lại giới tính thật cho người đó để họ có cuộc sống thật với cơ thể mình.
Như vậy, với nghị định xác định lại giới tính cho phép mổ tái tạo bộ phận sinh dục thành bộ phận sinh dục của một giới khi nó bị bệnh lý. Cơ thể là nam hoặc nữ nhưng bộ phận sinh dục nửa nam, nửa nữ. Hoặc người đó là nam nhưng bộ phận sinh dục lại là nữ. Hoặc cơ thể là nữ nhưng bộ phận sinh dục lại thiên về nam. Khi đó, tạo bộ phận sinh dục phải theo giới nam hoặc giới nữ.
Phẫu thuật chuyển giới: Luật pháp VN quy định thế nào?
PGS Bích đang phẫu thuật cho 1 bệnh nhân nam. Bệnh nhân này bị lún dương vật. (Ảnh: Nguyễn Tâm)

- Vậy khi phẫu thuật để xác định lại giới tính, dựa vào căn cứ nào để tạo bộ phận sinh dục cho người khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác cho phù hợp, thưa ông?
Tôi cần nhấn mạnh là khi tiến hành phẫu thuật tạo bộ phận sinh dục với người có tình trạng như vậy cần chú ý những điểm sau.
Trước tiên, cần chú ý đến khả năng sinh sản của người đó. Tạo con gái được mà có khả năng sinh hoạt tình dục được, lại có thể sinh con thì tạo con gái.
Tạo con trai khi người đó có khả năng sinh hoạt tình dục và sinh con vì có tinh hoàn thì tạo con trai là phù hợp.
Điểm thứ hai, nếu tạo con trai cũng không có con mà tạo con gái cũng không có con thì nên tạo bộ phận sinh dục theo giới mà bộ phận đó giống với thật nhất. Vì vậy, người đó sẽ có khả năng sinh hoạt tình dục là tốt nhất. Như vậy có thể lấy chồng, lấy vợ nhưng không có con.
Cuối cùng là vẫn phải có sự đồng ý của bệnh nhân và gia đình thì bệnh nhân mới tái tạo lại bộ  phận sinh dục được. Vì ngoài tạo hình cần có điều trị nội tiết thêm chứ không chỉ mổ xẻ đơn thuần.
Trên thực tế, những trường hợp nam lưỡng giới giả nữ thì đa số tạo con trai. Còn nữ lưỡng giới giả nam thì đa số tạo con gái.
Với người lưỡng giới thật thì có trường hợp tạo nam hoặc tạo nữ.
Nhưng cũng có trường hợp nam lưỡng giới giả nữ với bản chất là nam nhưng vẫn tạo nữ. Người này vẫn lấy chồng nhưng không sinh con. Ví dụ cụ thể trong trường hợp người nam giới đó bị hội chứng tinh hoàn nữ hóa hoàn toàn hay là hội chứng không nhạy cảm hoàn toàn với androgen.
Khi đó, mặc dù cơ thể đó có 2 tinh hoàn nhưng nó không có chức năng. Bộ phận sinh dục ngoài của cơ thể hoàn toàn như của con gái, ngực phát triển như con gái. Nhưng lấy chồng mà không có con. Bản thân họ không biết mình thực chất là nam. Nhưng người đó không có lông mu và không có kinh nguyệt. Như vậy trường hợp này điều trị thành con gái.
Có trường hợp hội chứng tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, thể nam hóa. Tức là nữ lưỡng giới giả nam. Trường hợp nam hóa mạnh thì cơ bắp phát triển. Có trường hợp điều trị muộn, đến với tôi khi đã hơn 30 tuổi, mà đáng nhẽ phải điều trị ngay từ lúc mới sinh.
Nhưng khi đến khám, cơ bắp đã như con trai, còn âm vật to dài như dương vật. Có âm đạo và niệu đạo đổ chung vào xoang niệu dục.
Trường hợp này đa số tái tạo bộ phận sinh dục thành nữ. Nhưng cũng có trường hợp như bệnh nhân hơn 30 tuổi này cương quyết tạo nam vì có tên khai sinh là Nam và đã sống như con trai từ bé cho đến khi trưởng thành.
- Nhưng nếu luật cho phép, ông có làm phẫu thuật chuyển giới không?
Nếu có Luật cho phép, các Bác sỹ Việt Nam làm được.
Xin cảm ơn ông.
Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ Về xác định lại giới tính.
Hành vi bị nghiêm cấm
1. Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.
2. Thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
3. Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác.
4. Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét